LTS: Tiến đến kỷ niệm 400 năm tỉnh Phú Yên hình thành và phát triển, Tòa soạn Báo Phú Yên tổ chức chuyên mục hướng đến ngày Đại lễ kỷ niệm 400 năm gắn với Năm Du lịch quốc gia Duyên hải Nam Trung bộ - Phú Yên 2011. Chuyên mục sẽ chuyển tải những cảm xúc sâu lắng của các thế hệ người Phú Yên và bạn bè trong, ngoài nước về vùng đất, con người Phú Yên qua bề dày lịch sử và trong công cuộc hội nhập, phát triển hôm nay; những dấu ấn và thành tựu văn hóa lịch sử, kinh tế, xã hội 400 năm; cận cảnh và viễn cảnh phát triển trong những thập kỷ tới.
Mở đầu chuyên mục, Báo Phú Yên trân trọng giới thiệu bài viết “Người Phú Yên trong tôi” của nhà giáo lão thành Bùi Xuân Các, 93 tuổi - một trong những vị trí thức có tầm vóc trước Cách mạng Tháng Tám, đã từng tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, là đảng viên cộng sản từ thập niên 30 của thế kỷ trước. Nhà giáo Bùi Xuân Các trên cương vị Trưởng ty Thông tin tuyên truyền tỉnh Phú Yên đầu năm 1946 đã tổ chức xuất bản tờ báo Chiến Thắng, tiền thân của Báo Phú Yên hôm nay. Là một nhà giáo tài hoa, đức độ, nhà giáo Bùi Xuân Các đã từng là Hiệu trưởng Trường trung học Lương Văn Chánh thời kháng chiến chống Pháp, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng học sinh và phụ huynh nhiều thế hệ.
“Người Phú Yên trong tôi” là những tình cảm chân thành, sâu lắng của thầy Bùi Xuân Các dành cho Phú Yên - quê hương thứ hai của ông.
Trong kháng chiến chống Pháp, tôi công tác tại Phú Yên từ tháng 3/1946 đến cuối 1952. Sau đây là một số cảm nghĩ của tôi về con người Phú Yên, gọi là tỏ lòng tri tân trong muôn một đối với bà con tỉnh nhà.
Thời gian đầu, tôi làmTrưởng ty Thông tin tuyên truyền, có dịp đi nhiều nơi trong tỉnh. Ở các địa phương, tôi nhận thấy trước sân một số khá nhiều nhà có sẵn một cái ang bằng đất mang đầy nước lã rất trong, bên cạnh để sẵn một cái gáo dừa. Tò mò, tôi tìm hiểu, thì ra đó là để cho người đi đường, nếu ai có khát thì cứ tự nhiên vào uống, vì ở Phú Yên đến mùa hè có gió Lào thổi mạnh, cái thứ gió làm rát bỏng da, khô cuống họng. Điều đó làm tôi suy nghĩ mãi. Ở quê tôi, Quảng Bình, cũng như ở một số tỉnh mà tôi từng ở như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, gió Lào cũng hoành hành dữ dội suốt mùa hè, sao chẳng ở đâu có cách làm như vậy cả, một cách làm rất độc đáo. Điều đó dẫn tôi đến một kết luận: phải là những con người có lòng nhân ái, vị tha, mới có thể có cách làm đẹp như vậy. Và tôi để ý xem sự phán đoán của tôi có đúng không.
Tôi vào Phú Yên công tác là một việc hoàn toàn bất ngờ, do đồng chí Nguyễn Duy Trinh điều động khi tôi đang làm Trưởng ty Kiểm duyệt Trung Bộ. Tôi đi một mình, vợ con để lại Huế. Phú Yên đối với tôi lúc đó là hoàn toàn xa lạ, từ trước chưa hề bước chân đến, nên không có một ai là người quen biết. Giữa năm 1948, do yêu cầu của lãnh đạo tỉnh, tôi được chuyển sang Trường Lương Văn Chánh để góp sức xây dựng trường phát triển trở lại sau một thời gian phải thu hẹp trong tản cư. Tôi đang được nghỉ để chuẩn bị chuyển công tác thì có anh bạn mới quen nhưng hợp tính nhau, anh Trần Huỳnh, một thanh niên cùng độ tuổi với tôi đang làm Hội trưởng “Hội ủng hộ chiến sĩ bị nạn” (tiền thân của tổ chức Thương binh - Xã hội hiện nay) rủ tôi về ở với ảnh “cho vui”. Tôi nhận lời ngay vì cơ quan anh ấy tản cư về An Thổ là nơi trường sắp dời và vì biết ảnh có một tư cách khá tốt để tôi có thể tìm tài liệu chuẩn bị cho công việc giảng dạy sắp tới. Cơ quan anh ấy rất đơn giản, chỉ có một thủ trưởng là anh ấy, cùng một thư ký, một kế toán kiêm thủ quỹ và một liên lạc. Cơ quan đóng tại nhà bà cụ tên là bà Lành (gọi theo tên con gái), bà góa chồng, mù cả hai mắt, có nghề phụ làm kẹo mè xưởng bán sỉ. Anh Huỳnh giới thiệu tôi với bà và xin cho ở cùng. Nghe tôi chào bà bằng giọng nói không phải Phú Yên, bà hỏi han rất kỹ về quê quán, gia đình, tuổi tác, vợ con... Biết gia đình tôi đang ở vùng bị chiếm, không còn cha mẹ đẻ, vợ thì còn trẻ, con mới hơn 2 tuổi... bà tỏ ý rất thông cảm và biểu lộ một tình thương rõ rệt bằng những tiếng xuýt xoa và những tiếng “tội chưa” rất hồn nhiên chân thật. Từ đó, bà luôn chăm sóc việc ăn, ở của tôi, bà nhắc các người con phải dọn dẹp chỗ ngủ, chỗ nằm, bữa ăn nào cũng “tiếp tế” thêm một món gì đó, giục con giặt giũ áo quần cho tôi (tất nhiên tôi bao giờ cũng tự làm lấy)... Cứ mỗi buổi tối khi cả nhà ngồi quanh cái nong lớn để chuẩn bị hàng cho sớm mai bỏ mối, bà lại có dịp hỏi tôi đủ mọi thứ chuyện về quê hương, gia đình...tôi, không khí ngày càng gần gũi thân mật. Tôi cảm thấy như đang ở chính trong gia đình mình vậy, ấm áp, thân thương. Anh Huỳnh thấy thế, nói nửa đùa nửa thật: “Hay là bà nhận anh Các làm con nuôi đi, anh ấy mới ba mươi thôi mà, lứa tuổi con bà đấy”. Hình như cũng trúng ý bà cụ, nhưng cụ chỉ cười móm mém và nói: “Anh ấy là cán bộ cao, ai dám?” (anh Huỳnh giới thiệu tôi là trưởng ty).
Tôi hay thích những con thú nhỏ nên có nuôi một con chồn mướp con. Trong nhà lại có cả một bồ lớn đường cát để làm mè xửng. Một hôm sợi xích đứt lúc nào không biết, nó leo vào bồ đường của cụ. Các con cụ phát hiện ra, lấy roi dọa nạt, quát tháo đuổi đánh. Bà cụ biết việc, mắng con một trận ra trò và cấm từ nay không những không được đánh đuổi nó mà còn phải quan tâm cho nó ăn uống tử tế no nê vì có lẽ nó đói nên nó mới giật đứt xích đi kiếm ăn đấy. Bà cụ còn bảo các con không biết anh ấy xa nhà, xa vợ con nên mới nhận nuôi con chồn để đỡ buồn, phải biết thương anh ấy chứ. Nó có ăn tí đường thì đáng gì mà làm ầm lên thế. Tuy vậy tôi vẫn nhận lỗi về tôi và xin bà đừng mắng các con nữa. Qua chuyện này tôi càng thấy tấm lòng bao dung, thương yêu của bà cụ và thấy hết sức cảm động.
Có điều lạ là tuy tôi được bà cụ luôn sẵn sàng tỏ lòng thương mến, nhưng các con bà cũng không ai tỏ ý ghen tỵ, trái lại mọi người cũng rất thân tình, một điều anh Các, hai điều anh Các, nhà có nải chuối, quả xoài hay củ khoai, mớ lạc đều đem cho anh Các mà không cần phải có sự nhắc nhở của bà cụ nữa. Một không khí gia đình thực sự làm tôi rất cảm động và ấm áp trong lòng. Trong kháng chiến, xa gia đình, ở nơi đất khách mà được hưởng cảnh này quả thật là đại phước.
Nhưng rồi đã gần đến ngày khai trường, tôi phải về nhiệm sở mới. Và cơ quan anh Huỳnh theo nguyên tắc không được đóng lâu một chỗ nên cũng phải dời đi. Thế là cuộc chia ly không thể trì hoãn. Không khí cả nhà trở nên buồn thiu, cả người ở lẫn người đi. Bà cụ cố giữ tôi ở lại, bảo sẽ lo cho tôi việc ăn uống chu đáo, vì trường cũng đóng chỉ cách nhà có mấy trăm mét. Nhưng giáo viên phải ở tập thể để cùng bàn bạc công việc nhà trường, cùng soạn chương trình giáo án... Biết không thể giữ được, bà cụ và gia đình tiễn chúng tôi ra tận cổng với sự lưu luyến, bịn rịn khôn tả. Bà cứ dặn đi dặn lại là thỉnh thoảng ghé lại chơi cho bà đỡ nhớ, riêng với tôi bà còn dặn thế nào cũng phải tìm cách đưa vợ con vào và khi nào vào thì nhất thiết phải dắt vợ đến cho bà thăm... bà nghẹn lời và đôi mắt mù lòa của bà ứa nước! Tôi cũng nghẹn lời, chỉ biết “vâng, vâng” và giang tay quàng lấy lưng bà.
... Hè 1950. Được phép của lãnh đạo tỉnh, tôi vượt Trường Sơn ra chiến khu Thừa Thiên – Huế đưa được gia đình tôi từ nội thành vào Phú Yên. Nhớ lời dặn của bà cụ Lành, vợ chồng tôi xuống thăm bà. Nghe các con báo tin, bà ngồi bật dậy, tay huơ huơ, miệng hỏi: “Đâu? Đâu? lại đây cho bà xem tí nào. Rồi bà ôm lấy vợ tôi vừa sờ xem cao thấp, mập, ốm thế nào vừa luôn miệng: “Vợ thầy Các đây à? Vào bao giờ, làm sao vào được? Đi đường có vất vả lắm không?”... Hỏi liên tiếp mà không cần trả lời, và khen con gái Huế mảnh mai gọn gàng lắm, chắc đẹp lắm đây... Bà bảo vợ tôi ngồi xuống cạnh bà, rồi như sực nhớ ra, bà hỏi cháu nhỏ đâu. Vợ tôi nhỡ lời thưa cháu còn nhỏ nên ông bà ngoại giữ lại ở Phong Niên. Thế là bà trách, bà rầy cho một trận, bảo sao không đưa cháu đến cho bà bồng, sao có 2 cụ vào mà không đưa xuống chơi, chắc chê nhà bà nghèo, quê mùa... Tôi phải thanh minh mãi, viện cớ hai cụ đã cao tuổi, đi đường quá xa đang mệt, cần phải nghỉ ngơi cho lại sức... Hồi lâu bà mới hơi nguôi đi, lại chuyển sang hỏi han về chuyến đi, làm sao thoát ra được để lên chiến khu, làm sao trèo núi trèo đèo, cháu bé đi cách sao, có gặp dữ không, nay vào thì cả gia đình ở đâu... Bà vừa hỏi vừa nắn tay nắn chân vợ tôi, vừa luôn mồm khen giỏi quá, giỏi quá, chân cẳng thế này mà vượt núi leo đèo được thì quá giỏi, từ nay thầy Các hết buồn hết nhớ rồi nhé.
Bỗng bà quay sang các con, giục đi giết gà làm cơm thết vợ chồng tôi. Vì trời đã xế chiều và đường về Phong Niên không dễ đi nên chúng tôi không thể nhận lời được. Bà xuýt xoa tiếc vì mải nói chuyện nên quên việc cơm nước. Bà bảo con gái soạn ra một lô quà: Các loại mắm, nước mắm, đường miếng, mè xửng, bánh tráng, cả đậu xanh, đậu phụng, và con gà mái béo ụ nữa, bắt chúng tôi mang về cho kỳ hết (chẳng khác gì quà mẹ cho con gái về nhà chồng – trong lúc đó chúng tôi chỉ biếu bà cụ 1 lọ alcool de menthe và 1 lọ Nhị thiên đường mang từ Huế vào). Với cái ba lô con cóc anh con trai cụ cho mượn, chúng tôi nhét hết sức cũng không thể hết được, đành gửi lại chai nước mắm và con gà. Bịn rịn mãi, bà mới bằng lòng cho đi, nhưng trước khi đi bà còn ôm mãi vợ tôi, vừa vuốt ve vừa dặn đưa cháu nhỏ và mời hai ông bà ngoại cháu xuống chơi. Cuối cùng bà cũng buông tay ra để quệt mấy giọt nước mắt vừa ứa ra từ đôi mắt mù lòa của bà. Trên đường về, vợ tôi cứ trầm trồ mãi về tấm lòng của bà và của các người con và tỏ ra rất xúc động. Khi về đến nhà kể chuyện lại, ông bà nhạc tôi cũng ngạc nhiên và cảm động, hơn nữa khi sáng hôm sau con gà và chai nước mắm cũng được mang lên, thật là chu đáo, tận tình. Mới chân ướt chân ráo vào Phú Yên mà toàn gặp được những con người tốt bụng như vậy, gia đình tôi thấy rất an tâm.
Sau ngày giải phóng miền Nam, tôi vào thăm lại Phú Yên. Khi đến Tuy Hòa, tôi vào nhà cụ Nhất Đặng lúc này đã chuyển từ An Thổ vào đây mở trường tư thục. Cụ trông thấy tôi, mừng rỡ kêu to: “Anh Các đấy à? Vào bao giờ đấy? Sao biết tôi ở đây?”. Tôi vừa đáp lại được vài tiếng thì bỗng góc phòng vang lên: “Ôi, thầy Các đó à?”. Một bà già bật đứng dậy, miệng hỏi: “Đâu? Thầy Các đâu?”, tay quờ quạng y như bà cụ Lành năm nào. Thì ra đây là con gái lớn của bà Lành, lúc này đã lập gia đình, đã vào sống với chồng con tại Tuy Hòa và thật đau xót chị cũng mắc bệnh mù như mẹ. Chị mừng mừng tủi tủi nắm chặt tay tôi, hỏi han mọi chuyện, cho biết tin bà mẹ mất đã lâu nhà cửa không còn và người em trai tên là Trần Giệt, vốn là học sinh Lương Văn Chánh vào bộ đội trong chiến dịch Atlante tập kết ra Bắc năm 1954, xung phong trở về Nam đánh Mỹ và đã hy sinh mà chưa tìm được hài cốt. Tôi rất ân hận khi chị cho biết là những ngày cuối đời bà cụ vẫn hỏi han tin tức gia đình tôi mà không thể nào có được. Chị nói liên tục còn tôi thì chỉ biết thỉnh thoảng an ủi vài lời, bùi ngùi nhớ lại những ngày ở An Thổ được bà cụ che chở yêu thương chẳng khác gì con cháu trong nhà.
(Còn nữa)
BÙI XUÂN CÁC
theo Báo Phú Yên
No comments:
Post a Comment