Friday, November 9, 2012

P2 - Phú Yên – Vội vã một cái nhìn.


Tôi may mắn được một người chị bạn sống ở đây chở đi ăn uống và lang thang thành phố vào buổi tối. Tuy Hòa tuy nhỏ, nhưng sạch sẽ.

Tất cả con đường đều dẫn ra biển. Khu vực dọc theo đường Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ, Hùng Vương tập trung nhiều cửa hàng, chợ, khu mua sắm, khách sạn và các công ty. Buổi tối, Tháp Nhạn được thắp đèn nổi bật một vùng. Đặc biệt là các công trình ở đây đều thấp thoáng đâu đó hình ảnh ngôi tháp này - biểu tượng của thành phố. Rất ấn tượng. Cột đèn ở đường Bạch Đằng dưới chân cầu Hùng Vương. Con đường ăn chơi. Tối đến dọc theo con đường này là các quán nhậu bình dân hoạt động rất náo nhiệt.





Một chút thông tin về khách sạn tôi đã ở và các điểm ăn uống tiêu biểu ở Tuy Hòa.

Khách sạn Anh Tuấn 2 nằm trên đường Hùng Vương. Vị trí cũng thuận tiện. Chỉ cách biển chừng 5p đi xe. Sáng có thể chạy bộ ra biển tập thể dục cùng với người dân hoặc tối lòng vòng dạo biển. Giá một đêm là 130k , khách sạn đầy đủ tiện nghi, sạch sẻ và thoáng mát. Tivi truyền hình cáp và tủ lạnh. Máy quạt và cả máy lạnh. Nhà vệ sinh, phòng ốc được lau chùi hàng ngày. Nói chung dịch vụ và cơ sở vật chất rất tốt mà giá cả thì rất ổn.



Tôi thích nhất ấm trà để trên bàn. Tuy không cần thiết phải dùng tới, nhưng sáng dậy mở mắt ra cái ấm trà trước mặt làm tôi thấy ấm áp và quen thuộc. Cảm giác như đang ở trong chính căn phòng của mình.

Liệt kê một vài nơi ăn uống. Đi chơi tiết kiệm đồng ý là việc ăn uống không quan trọng. Nhưng cũng không quên thử qua một vài món ăn đặc trưng. Và vì là con gái, nên cái khoản này thì lại càng không thể bỏ qua 



Bánh cuốn nem nướng. Số 4 Trần Bình Trọng. Tôi nhớ không lầm thì nó đối diện một ngôi chùa. Ngôi chùa duy nhất nằm trong nội thị thành phố Tuy Hòa. Loại này giống như nem cuốn ăn ở Nha Trang. Chỉ khác là người ta cuốn giúp mình. Sẽ ngon hơn nếu tự tay mình cuốn.

Quán Xisy 176 Trường Chinh - chuyên các loại bún. Nên thử món cá thu nấu mẳn. Cái từ nấu mẳn đối với tôi khá lạ. Hỏi ra thì biết được nấu mẳn là nấu nước dùng không ngọt, cũng không mặn. Nó lờ lợ. Ăn cũng khá lạ miệng.



Bánh bèo Núi Nhạn. Nằm ngay đường lên tháp. Rất dễ tìm



Đặc biệt tôi thích nhất món bánh canh hẹ. Cũng là loại bánh canh thường ăn như ở Nha Trang, nhưng ở Tuy Hòa, ngừoi ta cho xắt thêm hẹ bỏ vào thay cho hành. Càng nhiều hẹ càng thơm. Ắn vào lợn cợn những miếng hẹ nhỏ trong miệng thấy hay hay.
Đó là quán cóc, lề đường Bà Triêu - cạnh công ty dược Phú Yên



Bánh tráng Hòa Đa - ngã 3 Hòa Đa đoạn quốc lộ 1A hướng đi Sông Cầu. Có 2 quán, một hơi lụp xụp và một khang trang dành phục vụ khách du lịch. Cả 2 quán đều cùng một chủ.

Chất lượng cũng như giá cả đều như nhau. Cái đặc biệt là người bán thấy khách vào là tự động ước lượng phần ăn và đem ra. Yên tâm là không có tình trạng chặt chém ở đây.



Một phần ăn với dĩa lòng đầy ắp, tô cháo to cùng với bánh hỏi và bánh tráng. Ăn xong phần này là no đến chiều. Ở đây người ta ăn bánh hỏi với lòng heo, còn ở trong miền Nam là bánh hỏi và thịt heo quay.

Quán chè này không có tên, nằm trên đường Duy Tân. Góc đối diện với CoopMart Phú Yên. Chị bạn tôi kể thì hồi xưa chè có 500 một chén thôi. Nên học trò hay lui tớ. Bây giờ họ vẫn quen gọi là quán chè 500. Xuí ỉn là cái tên mà người dân gọi món chè trôi nước. Nghe vui vui tai làm sao. Chè không gắt đường ở cổ họng như các hàng ở Sài Gòn hay bán mà ngọt thanh ở giữa lưỡi. Rất đúng với ý tôi Chén nào cũng nhỏ nhỏ nên vừa ăn, không quá ngán.



Ngày đầu tiên ở Tuy Hòa là như thế đó. Buổi tối, gió từ biển thôi vào mát rượi làm hai con mắt lim dim muốn ngủ. Từ trong khách sạn, tôi nhìn xuống đường Hùng Vương qua ô cửa vuông nhỏ. Bên dưới cạnh khách sạn là hàng ốc, con đường sáng đèn chạy tít ra xa.

Bên ngoài, đường phố khá vắng vẻ tuy chỉ mới 9 giờ tối. Không phải là người dân đã đi ngủ mà do thói quen, người ta vào nhà sớm và sinh họat trong đó. Khu phố ngọai ô Sài Gòn nơi tôi đang ở cũng thế, và do đã quen với nếp sống như vậy nên tôi về khách sạn mà không la cà ở đâu nữa.



Vài chiếc xe đi chơi lễ vẫn còn chạy ngòai đường nhưng tuyệt đối không có tình trạng rồ ga, nhân lúc đường vắng phóng ầm ầm. Hàng ốc bên dưới nghi ngút khói vẫn còn lãng vãng vài vị ăn khuya. Tôi chưa thử món này. Ốc ở Tuy Hòa không được chế biến cầu kì như ở Sài Gòn. Đơn giản chỉ là một dĩa ốc đủ lọai to nhỏ, dùng kim lẩy ốc ra rồi chấm với nước mắm. Giống giống như kiểu tôi đã từng ăn ở Nghệ An.



Cái khung cửa nhỏ trong phòng tôi rất thích. Nó nhỏ thôi, đủ để cho một cái đầu tối nào cũng thò ra ngòai hóng gió và mỗi sáng lại thò ra tiếp để xem mặt trời lên đến đâu rồi.
Sáng nay cũng vậy, nhìn xuống thấy từng tốp người đi bộ ra phía biển tập thể dục Họ vừa đi vừa cười nói ,vui như là đi hội làm tôi cũng sốt ruột, vội vôi vàng vàng chuẩn bị đồ.

Biển Tuy Hòa là đây. Bờ biển dát nắng sớm một mùa vàng óng. Màu vàng trong phong thủy là giải pháp màu sắc đem lại cảm giác ấm áp, không khí vui tươi và tràn đầy sức sống.

Phải chi tôi có một chiếc xe đạp như vậy. Thong thả chạy dọc biển vào mỗi chiều hay lòng vòng ngắm nhìn cuộc sống Tuy Hòa một cách chậm rãi.


Dọc theo bờ biển là cả một bức tranh sống động về ngày mới ở Tuy Hòa. Biển đông lắm, lắm tiếng cười và lắm cả tình người. Ngày mới bắt đầu với những họat động thể thao và tắm biển Bạn bè rủ nhau đá banh, cầu lông cũng ra đây, các ông lão,bà lão tập thể dục cũng gặp nhau ở đây rồi có dịp ngồi lại kể chuyện con cháu, gia đình bố mẹ con cái đều dắt nhau ra biển. Ai nấy cũng rạng rỡ một màu nắng. Dường như tất cả người dân trong thành phố đều dồn hết về biển vào mổi buổi sớm kiểu như các ông sáng nào cũng phải có một tờ báo và ly cà phê để nhâm nhi hay đại lọai như các bà, các chị lúc nào cũng mang cái gương và bịch khăn giấy trong giỏ xách.


Ngày Thứ 2

Được biết khỏang 9h thì người ta mới bắt đầu đổ cá ngừ xuống bến. Tôi quyết định chờ để được xem tận mắt những con cá ngừ đại dương còn tươi rói. Tranh thủ chạy xuống khu vực bến cá và làm đầy bụng với thứ bánh xèo nhà quê. Bánh chẳng có gì đặc biệt, một con tôm bé xíu, chỉ vài lát thịt mỡ , vỏ bánh và một lớp trứng cút mỏng bên trên. Chấm mắm nên và ăn kèm với rau sống. Ấy vậy mà tôi ăn liền tám cái. Giá cả cũng chẳng đắt đỏ gì.



Ngồi chờ cả tiếng cũng không biết làm gì, tôi lại lê la ra khu vực bãi và ngồi xem hai cậu bạn câu cá.
Hôm đó tôi thật may mắn khi được xem cảnh tấp nập của những đòan tàu chuẩn bị ra khơi sau đợt nghỉ tết Đoan Ngọ. Báo Phú Yên cũng đã có mặt tại đây để ghi lại hình ảnh rộn ràng của dịp này



Đó là lý do vì sao tôi phải ngồi chờ gần 4 giờ để chờ cá về. Mùi bơm dầu xốc thẳng lên mũi đôi lúc làm tôi chóang váng. Chợt nghĩ đến cảnh tượng cho cá ăn chè vì cái mùi dầu ấy trên con tàu ra Cù Lao Câu đợt tháng 8 vừa rồi mà hãi hùng. Tiếng máy xay đá, tiếng người ý ới. Tốp tốp các chị ngồi tụm ba tụm bẩy cũng chờ cá xuống tàu. Lâu lâu vài anh thuyền viên chuẩn tay mang xách hành lý, vật dụng cần thiết cho một chuyến đi xa.



Khi quay lại thì cá đã được cho xuống bãi. Bác chủ tiệm dầu ban nãy ngồi nói chuyện thấy tôi từ xa vẫy tay í ới ra hiệu. Bác ấy cũng biết nãy giờ tôi ở đây để chờ xem cá.

Phú Yên là nơi đi đầu cả nước về nghề câu cá ngừ đại dương. Bên cạnh còn có Khánh Hòa và Bình Định. Việc xây dựng thương hiệu cho ngành nghề này rất được quan tâm. Hàng trăm tỉ đồng được bỏ ra . Trong đó khu vực chợ cá Phú Lâm – Phường 6 –tp Tuy Hòa là một trong những khu vực được ưu tiên hàng đầu.



Các chàng trai làng biển làn da rám nắng, khuôn mặt hình chữ điền ánh cái lên vẻ gan góc đầy gân guốc, ấy vậy mà họ đã làm chủ cả biển khơi.
"Em hỏi rằng vì sao anh ra khơi bóng biển ngày đêm để màu da anh nắng sạm"

"Hỏi mà chi sao em cứ bông đua.
Thuyên anh mải về với cá bạc đầy khoang ơ hò ơ hò.
Cá bạc đầy khoang để màu da anh rám hồng..."



Tôi cảm nhận rõ hơn về vùng đất này khi nghe NSND Thu Hiền hát bài "Tình ta biển bạc đồng xanh" ( NSND Thu Hiền - Trung Đức) . Những cánh đồng lúa chín và con thuyền mỗi sáng ra khơi được lập đi lập lại. Cứ như thế, tình yêu từ đó mà hòa chung với nhịp sống lao động.
Một vài hình ảnh bên trong khu vực vựa cá. Tôi cũng tranh thủ chụp và tấm và đứng nép gọn một bên để không vướng bận chân tay của họ.



Cá ngừ đại dương cũng được xem là một trong những thứ đặc sản của xứ Nẫu. Cách ăn ở đây cũng được đánh giá là sành điệu nhất. Thịt cá ngừ tươi được cắt lát mỏng rồi ướp đá lạnh. Khi ăn thì dùng lá cải cay cuốn cùng húng, tía tô, gừng, đậu phộng rang. Tôi không nhớ là có ăn với bánh tráng nướng không. Nhưng nội cái nớc chấm thôi đã nghe dậy mùi trong mũi- gồm có mù tạt, nước tương và tương ớt.

Bến cá có sức hút đặc biệt với tôi. Một lần nữa, tôi chọn đó là nơi đón những tia nắng đầu tiên của ngày mới. Bữa nay chợ sớm không ồn ào tấp nập như hôm cá ngừ về bến. Cái chợ nhỏ này ngày nào cũng diễn ra một cách đều đặn như người ta vắt vỏ chanh Người mua kẻ bán đều đã nhẵn mặt nhau. Họ cười nói rất to, trao đổi chuyện buôn bán với nhau bằng chất giọng biển lơ lớ nghe lạ tai.



Những sọt đầy ắp cá. Tôi nhìn thấy có cả một sọt đầy những con cá nóc tròn lẳng. Không biết dùng để làm gì nhưng tôi đóan chắc là để ăn. Nhìn chúng mũm mĩm và đáng yêu thế kia mà sao lại ... nghĩ vui một chút Beauty outside, beast inside chắc đúng.

Biển thức dậy đội mặt trời nhô lên. Cả một miền biển ửng hồng màu nắng, tắm mình trong mùa vàng khiến tôi cảm thấy như đã tìm được cái gì đó khác đi, nhẹ nhàng và bình lặng.Thấy chút nắng nhợt của Sài Gòn hôm nay cứ ngỡ nắng vàng ngày xưa.



Thì vẫn là cái màu vàng đó, cái màu ăm ắp nhựa sống bao trùm lên bức tranh chợ cá ngập tràn màu sắc, rõ nét đến từng sắc thái khuôn mặt, dáng người, lên những chiếc thuyền nhấp nhô, lấm tấm những con người đang mải mê với việc

Người đàn ông này đã qua bao nhiêu cái buổi sáng ngồi trước biển như thế? Cứ như sóng ngày đêm vỗ bờ không nghỉ. " Biển dư sức và người không biết mệt".



Chợ cá là nơi ồn ào và náo nhiệt. Chợ cá đầy rẫy những bon chen và tranh chấp. Không biết đằng sau cảnh đẹp như tranh kia có tồn tại cái quy luật đại dương – cá lớn nuốt cá bé không nữa. Những câu truyện về triết lý chợ cá lẫn quẫn trong đầu tôi trong lúc miên man ngắm nhìn con trẻ chơi đùa.

Với mình Phú Yên đẹp như Thiên đường bởi những bãi tắm hoang sơ đẹp đến ngất ngây



Câu chuyện chợ cá cũng phải dừng ở đó khi mà kế họach của ngày hôm nay vẫn chưa đi vào đâu cả. Trời thì cũng đã gần trưa. Nếu không tranh thủ thì e rằng sẽ không đi kịp các địa điểm ở huyện Tuy An.

Tuy An được thiên nhiên hào phóng ban tặng phong cảnh hữu tình , đa dạng về mặc địa hình và có nhiều điểm tham qua kì thú. Tuy An cách Tuy Hóa hơn 40 cây số, khi xưa từng là thủ phủ của tỉnh Phú Yên.



Nhưng khi người Pháp đến thì tỉnh lị được dời ra Sông Cầu. Hiện tại ở đây rải rác các ngôi chùa cổ như chùa Hội Tôn, Linh Sơn tự, nhưng tôi quan tâm nhất là ngôi chùa Đá Trắng (Từ Quang).

Nghe cái tên thôi cũng đủ hình dung ra vì sao ngôi chùa có tên là Đá Trắng. Chùa nằm trên một ngọn đồi thuộc xã An Dân, được xây dựng năm 1797. Nếu để ý một chút, từ hướng sông Cầu đi vào về phía tay trái có một ngã rẽ đi lên chùa.



Dù mấy bận đi và về thấy cái ngã rẽ này nhưng không hiểu sao lúc đó tôi không cho xe vào.
Ngôi chùa này có món đặc sản dâng vua – Xòai Ngự.

Rủ lên Đá Trắng ăn xòai
Muốn ăn tương ngọt Thiên Thai thiếu gì.

Nhưng tôi nghĩ dâng vua thì chắc là do cảm tình của vua đối với vị ngon của giống xòai nơi đây. Giống như trái bòn bon ở Quảng Nam được vua Gia Long đặt tên là « nam trân » tức là vị ngọt đất Quảng. Và từ đó, hai thứ quả này được chọn để dâng cho vua.



Điểm đến đầu tiên là Hòn Chùa - bãi biển Long Thủy. Nếu đi từ quốc lộ 1A theo đường Hùng Vương thì khỏang 10km. Tuy nhiên, đi theo đường Độc Lập sẽ gần hơn – tầm 5km.

Khu vực này cũng nổi tiếng về dừa xiêm và có các con lạch nhỏ chạy dọc qua các thôn. Dừa thì cũng không có gì đặc biệt, cũng không ngọt như đã được quảng cáo. Nước trong lạch không cao lắm, chừng nửa thắt lưng là cùng.



Nước lúc nào cũng trong veo và có những đàn cá bơi ở đó nữa.Bóng cây dừa nằm dài trên các con lạch nhỏ làm tôi có cảm giác như đang đi trên những con đường đan rợp dừa ở Bến Tre
Đường đi vào Hòn Chùa có nhiều ngôi nhà trông lạ mắt, tường bên ngoài được làm bằng san hô.

Tại Hòn Chùa – Long Thủy cũng có một đặc sản là mực ống, những con mực ống thon dài bằng cổ tay của con trẻ mà được nướng, hấp hay nhồi thịt thì cũng chẳng tiếc cái công lặn lội đến nơi này.



Nằm đung đưa theo nhịp võng, mơn man theo gió hà vào mặt vào buổi xế trưa thì nghĩ mình đây cũng biết hưởng thụ lắm chứ. Thi vị hơn nữa khi mà bên tai lại văng vẳng các bài hát kiểu Nẫu Ca, bài chòi của miền biển thì còn gì bằng:

Hồi nào qua Phú Lễ ăn ổi chua
Xuống Đại Lãnh uống nước ngọt
Ra Hòn Chùa ăn mực nang
Chớ bây giờ em không ngó em không ngàng
Chồng nghèo cực khổ, gian nan cơ hàn....



Nếu Hòn Chùa nằm ở - thì Mũi Yến ở An Hòa, huyện Tuy An. Ngày xưa nơi đây từng là lãnh địa của Yến. Nhưng do người dân thu họach tổ yến không hợp lý, tự phát nên yến đã bỏ đi hết. Bây giờ thì có dự án phục hồi và bảo về các hang Yến tự nhiên. Gọi nôm na là « Dụ yến quay lại »

Đường xuống có đi ngang qua một cái lăng cá Ông và một vài ngôi mộ.Tất cả ngôi mộ đều quay mặt về hướng biển.

Cầu gỗ An Hải là đây. Từ cầu An hải nhìn ra tòan cảnh khu vực đầm Ô Loan và xung quanh các các quán phục vụ khách ăn sò huyết.




Nhưng cây cầu gỗ này chưa dài bằng cây cầu gỗ Bình Thạnh ở xã Bình Thạnh. Tôi đâm nghiền cái tiếng lọc cọc và cảm giác hơi hoảng khi đi trên cây cầu ấy. Đến nỗi ngày hôm sau trên đường đi Sông Cầu, tôi mua vé 2 lượt đi qua đi lại cho thỏa thích. Thật, lúc đó anh bán vé cũng chẳng hiểu có một kẻ ăn mặc kịch cỡm như tôi có bị điên hay không.



Hai bên đường lúc này khá vắng vẻ vì đã quá trưa. Hai chiếc xe máy không dám chạy nhanh để rồi phá đi không gian yên tĩnh nơi đây. Về Tuy An thăm nhà thờ Mằng Lăng, lòng lắng lại trên những mảng tường rêu phủ, trên những phiến đá nhốm màu thời gian.

Dừng xe, bước vào trong khuôn viên là một cảm giác hòan tòan khác,tách biệt với cái ồn ào của sóng biển ngoài kia.



Các cánh cửa gỗ đã khép lại như người ta thường cho vào câu chuyện một đọan kết. Chạm tay vào bờ tường tưởng chừng như chạm vào quá khứ. Tôi đây cũng là một người công giáo nên có tình cảm đặc biệt với các thắng cảnh , di tích liên quan đến tôn giáo như thế này. Và lại tiếc hơn khi không được nhìn thấy cuốn kinh thánh bằng chữ quốc ngữ ở đây. Lại thêm một cái nợ nơi xứ Nẫu này.



Rồi lại vòng qua Gành Đá Dĩa để lắng nghe thời gian kể chuyện trên những trầm tích đá. Trở về với tiếng sóng vỗ và cái màu xanh thẳm của cả biển trời. Biển cũng không mấy ồn ào nếu thiếu những con sóng, theo cái kiểu Quang Lý hay hát

Biển vẫn thấy mình dài rộng quá,
Xa cánh buồm một chút đã bâng khuâng



Cứ lui ra xa rồi lại tát thẳng vào bờ từng lớp một như những biến động trong lòng người con gái đang khao khát thóat mình ra khỏi không gian chật chội của những nỗi nhớ.

« Một trời xanh, một biển tận cùng xanh
Và gió thổi và mây bay về núi
Lời thương nhớ ngàn lần em muốn nói
Nhưng bây giờ chỉ có sóng và em… »



Gành Đá Dĩa và Mằng Lăng cùng nằm chung trong một cụm thắng cảnh du lịch ở đây nên có thể kết hợp đi tham quan cùng một lúc.



Một chút gượm buồn khi đến Gành lại thấy những cảnh như thế này. Tình trạng này cũng xảy ra cho hầu hết các di tích thắng cảnh ở Việt Nam chứ không riêng gì Phú Yên. Buồn.
Nhưng đó cũng chỉ là một góc của câu chuyện, vấn đề là các bác ở trên đã thấy và có hướng giải quyết hay chưa.

Khách du lịch và những kẻ lang thang như tôi cũng chỉ biết ngậm ngùi chờ đợi cái sự đổi thay và lấy làm tiếc cho một kiệt tác mà thiên nhiên ban tặng. Nhìn thì thấy vậy, nhưng đá Dĩa vẫn có cái nét hùng vĩ của nó, Phú Yên vẫn sỡ hữu những bãi biển hoang sơ và đẹp đến ngỡ ngàng.

Echxanha4

No comments:

Post a Comment